Mô hình nuôi cá chình thường là mô hình sản xuất quy mô hộ gia đình với diện tích ao nuôi bình quân 1.000 – 2.000 m2 / ao, cho kết quả rất khả quan từ 80 – 100 triệu đồng/năm (năng suất bình quân 300 – 500kg/1.000m2), giá bình quân cá thương phẩm 400-450 nghìn đồng/kg). Hiện nay đang vào mùa mưa, cá chình dễ mắc một số bệnh, cụ thể là cá thường bỏ ăn do yếu tố môi trường và chọn giống kém chất lượng dẫn đến cá không ăn, hao hụt số lượng nhiều. Vì vậy trong quá trình nuôi cần lưu ý một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng tránh được chúng tôi đề cập dưới đây.
Nguyên tắc phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi cá chình

Trong quá trình nuôi, để giảm thiểu rủi ro, cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau
- Khâu tuyển chọn: phải chọn cá nơi uy tín, chất lượng. Cần phải đáp ứng một số chỉ tiêu như: nhanh nhẹn, đồng cỡ, nhớt nhiều, không bị xây xát, dị tật, không bị mắc câu… Tốt nhất nên chọn cá ương từ cá lá liễu lên cá giống 10 con/kg. Đây là vấn đề quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro.
- Ao phải được xử lý thật kỹ trước khi thả giống. Phải đảm bảo tốt các yếu tố môi trường như trên. Sau khi đã thả giống phải thường xuyên định kỳ xử lý nước 1 tháng/lần cho ao. Như: Virkon: 0,5kg/1000m3 nước hoặc thuốc tím 1,5kg/1000m3. Sau đó dùng Zeolite từ 5-10kg/1000m2 kết hợp cấy men vi sinh để ổn định môi trường.
- Sử dụng thức ăn tươi sống tránh hôi thối, kém chất lượng. Kết hợp với VitaminC để tăng cường sức đề kháng cho cá. Hoặc trộn Oxytetrcyline để cá tăng cường hấp thu qua đường tiêu hóa.
Một số bệnh thường gặp và cách phòng bệnh
Bệnh đốm đỏ
- Nguyên nhân: Do vi trùng Pseudomonas hay Aeromonas gây ra.
- Triệu chứng: Thân và vùng bụng bị xuất huyết, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to, chứa dịch và đỏ bầm .Ở một số cá bệnh mắt, hậu môn lồi ra. Một số vây cá bị rách xơ xác dần dần bị rụng, bên trong thịt ứ máu và mủ. Cá lội lờ đờ, chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.
- Cách phòng: Không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng. Môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột CaCO3 với lượng 4 kg/100 m3(vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).
Bệnh ký sinh trùng

Bao gồm nội ký sinh và ngoại ký sinh, bệnh thường xuất hiện quanh năm. Tác nhân gây bệnh: Trùng có tên là Lernaea, có dạng giống mỏ neo, cơ thể có chiều dài 8-16mm, giống như cái que, đầu có mấu giống mỏ neo cắm sâu vào cơ thể cá.
- Triệu chứng: Cá nhiễm bệnh giảm ăn, trùng thường ký sinh ở da, mang, vây… Xung quanh các chỗ bám viêm và xuất huyết là điều kiện tốt cho các mầm bệnh khác xâm nhập và phát triển.
- Phòng bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm. Khi lấy nước vào ao nuôi phải qua túi lọc để hạn chế các loại ký sinh trùng như trùng mỏ neo, rận cá… xâm nhập vào ao nuôi. Khi lấy nước vào ao để khoảng từ 7 – 10 ngày để các loại trứng ký sinh nở thì tiến hành diệt tạp bằng hoá chất như đồng sunphat (CuSO4), liều lượng 0,5g/1m3.