Cá trắm cỏ là đối tượng nuôi nước ngọt, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công cho việc nuôi cá trắm cỏ thì yếu tố quản lý dịch bệnh trên cá trắm cỏ và các biện pháp phòng chống bệnh cá trắm cỏ đóng vai trò quan trọng nhất mang lại thành công cho người nuôi. Các bệnh thường gặp ở cá trắm cỏ là bệnh tụ huyết trùng ở cá trắm cỏ, bệnh đốm đỏ (viêm ruột), bệnh nấm ở cá trắm cỏ, bệnh giun chỉ,… Các bệnh này nếu không được phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời sẽ làm cá chết hàng loạt. Sau đây là các biện pháp phòng trị các bệnh thường gặp trên cá trắm cỏ.
Dấu hiệu chung của cá mắc bệnh
Khi cá mắc bệnh thường có những dấu hiệu bệnh lý như:
- Cá tách đàn, hoạt động yếu, bơi lờ đờ trên tầng mặt và sát bờ ao.
- Màu sắc của cá thay đổi sang màu tối, da cá thường mất nhớt, khô rát. Trên thân, các gốc vây và xung quanh miệng của cá xuất huyết hoặc có màu trắng bạc. Xuất hiện các vết loét ăn sâu vào phần cơ, trên các vết loét thường có nấm và ký sinh trùng ký sinh.
- Bụng cá chướng to, hậu môn xuất huyết, các vây có hiện tượng rách và cụt dần.
Phòng bệnh viêm ruột ở cá trắm cỏ
Bệnh viêm ruột (đốm đỏ) thường gặp ở cá trắm cỏ hơn một tuổi, là loại bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn gây hại qua mang, qua thức ăn. Vì vậy, nếu môi trường nước và thức ăn không sạch sẽ gây bệnh viêm ruột cho cá trắm cỏ. Bệnh này thường xảy ra vào mùa hè, mùa thu (miền bắc), mùa mưa (miền nam). Do đó, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là không để cá bị sốc do môi trường nước thay đổi; thường xuyên bón vôi bột xuống ao nuôi để khử trùng và kiềm hóa môi trường nước. Bình quân bón vôi bột hai tuần một lần, mỗi lần 2 kg/100 m3 nước.
Ngoài ra, có thể bổ sung vi-ta-min C vào thức ăn cho cá; dùng thuốc KN-04-12 của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho cá ăn với liều lượng 2g/kg cá/ngày, liên tục trong ba ngày; tiêm vắc-xin vi khuẩn A.hydrophila phòng bệnh cho cá. Nếu cá bị mắc bệnh, có thể dùng một số kháng sinh, thảo mộc có tác dụng diệt khuẩn; dùng phương pháp cho ăn kháng sinh trộn với thức ăn tinh, thuốc phối chế KN-04-12, liều dùng 4g/kg cá/ngày, cho ăn liên tục từ năm đến bảy ngày.
Ngăn ngừa bệnh trùng quả dưa
Bệnh trùng quả dưa (đốm trắng) biểu hiện ở cá: da, mang, vây bị có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm, mầu hơi trắng đục, có thể thấy bằng mắt thường; da, mang cá có nhiều nhớt, mầu sắc nhợt nhạt; cá nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lờ đờ. Bệnh này thường xảy ra vào mùa xuân, mùa đông (miền bắc), mùa thu (miền nam).
Ðể phòng bệnh cho cá, không thả chung cá bị nhiễm bệnh với cá khỏe; thời gian cách ly phụ thuộc nhiệt độ; tẩy dọn kỹ ao, phơi đáy ao ba, bốn ngày để diệt tạp. Ðể trị bệnh trùng quả dưa cho cá cần chú ý đến hai giai đoạn trong chu kỳ sống. Diệt trùng ở giai đoạn ấu trùng dễ hơn giai đoạn ký sinh. Thuốc và hóa chất trị bệnh trùng quả dưa rất đa dạng: dùng xanh-ma-la-chít phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,1-0,3 ml/m3, hai lần/tuần.
Biện pháp phòng bệnh chung dành cho cá trắm cỏ
- Tẩy dọn ao hồ nuôi cá: Sau một vụ nuôi cần phải bón vôi diệt tạp diệt khuẩn, lượng vôi 10 – 15kg/100m2 ao. Phơi đáy ao 5 – 7 ngày.
- Mật độ thả và tỷ lệ ghép cho phải phù hợp.
- Tăng cường khâu chăm sóc và quản lý.
- Cho cá ăn thức ăn có đủ chất và đủ số lượng theo từng giai đoạn phát triển của cá.
- Định kỳ thay nước cho ao nuôi.
- Dùng vôi hòa vào nước và té đều xuống ao: CaO3 2 – 3 kg/ 100m3 nước, 2 lần/ tháng.
- Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt nguồn nước và định kỳ sát khuẩn bằng IODINE 01 lít /8000- 10.000m3 nước, FBK 01 lít/ 3.000m3, CLORINE 15-20 ppm. Định kỳ trộn Vitamin C, chất điện giải và men tiêu hóa cho cá ăn để nâng cao sức đề kháng cho cá .