Hiện nay, việc chăn nuôi gà đang là hướng phát triển kinh tế của nông dân nhiều nơi. Để chăn nuôi thành công, ngoài con giống, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh,… người ta còn đặc biệt quan tâm đến cách xây dựng chuồng nuôi gà. Một trong những yếu tố quyết định chăn nuôi có hiệu quả hay không là chuồng trại phải đảm bảo an toàn, đối với gà cũng vậy. Chuồng gà khi được thi công đúng kỹ thuật sẽ tạo ra nơi trú ẩn thoải mái; phòng chống dịch bệnh hiệu quả giúp gà sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu cách làm chuồng nuôi gà đúng cách và chuẩn khoa học, mời các bạn tham khảo.
Vị trí của chuồng nuôi gà

Làm chuồng gà nên bố trí gần nhà và bếp để tiện quản lý, chăm sóc và bảo vệ; làm gần vườn cây, đồi rừng để tiện chăn thả. Chuồng nên làm theo hướng đông nam hoặc hướng nam để đón ánh sáng chiếu vào sàn; đảm bảo luôn khô, thoáng… có rèm, liếp che chắn mưa, gió.
Vật liệu làm chuồng nuôi gà
Chủ yếu là tường vách đất (nhào rơm và bùn trát) hoặc có thể làm tường ngăn bằng phên liếp, ván gỗ, xây gạch, đá ong… Mái lợp bằng tranh, rơm rạ, lá cọ, ngói, tôn xi măng… Chọn tre nứa già, chặt vào tháng 11 – 12 âm lịch là tốt nhất. Dùng những cây tre đực thẳng, luống nhỏ, chắc làm cột, khung đỡ. Nhưng đoạn giữa và gần ngọn làm sàn chuồng và ken xung quanh làm vách.
Thiết kế kiểu chuồng nuôi gà
Làm mái lệch, chuồng có lòng rộng 1 – 1,2 m. Mỗi chuồng làm 2 – 3 tầng, tầng trên cùng đặt giá các ổ đẻ. Mỗi ngăn dài 1,2 – 1,5 m, cao từ 0,4 – 0,5 m. Sàn chuồng dưới cùng cách mặt đất 0,3 – 0,4 m. Tầng thứ 2, 3 phía dưới sàn có khay đỡ phân bằng cót ép, bao xác rắn có khung đỡ có thể kéo ra kéo vào được.
Sàn chuồng làm bằng nan tre, luồng, nứa già vót hơi tròn được ken bằng mây (bền hơn là đóng đinh dễ bi gỉ) và có thể tháo ra được khi cần vệ sinh, phơi nắng. Sàn chuồng gà con, gà giò dùng nan có bề mặt rộng 1,2 – 1,6 cm, khe rộng 0,8 – 1 cm.
Sàn chuồng gà sinh sản, gà thịt lớn dùng nan có bề mặt rộng 2 – 2,5 cm, khe rộng 1,2 – 1,5 cm để phân lọt xuống khay đỡ ở dưới. Mặt trước các ngăn chuồng làm bằng các nan vót tròn, có thể chống lên để cho gà ra được.
Ngăn gà con, gà giò dùng nan có đường kính 0,8 – 1 cm, khe giữa 2 nan rộng 1 – 1,5 cm. Ngăn gà sinh sản, gà lớn dùng nan có đường kính 1,3 – 1 5 cm, khoảng cách giữa hai nan từ 2 – 2,5 cm, để gà có thể thò đầu ra mổ thức ăn, uống nước được.
Những điều cần biết để làm chuồng gà tiết kiệm chi phí

- Chuồng nuôi gà làm đơn giản bằng vật liệu rẻ tiền như: tre, nứa, luồng, lá cọ, tranh, rạ,… hoặc xây chuồng với mái lợp bằng tôn lá hoặc ngói. Nuôi 100 gà thả vườn cần diện tích khoảng 15 – 20 m2.
- Nên làm chuồng sàn bằng tre, gỗ, cao 40 – 50 cm so với nền chuồng (nền láng xi măng) để phân gà rơi xuống dưới, tránh bẩn, ẩm ướt và dễ dàng hót phân.
- Làm chuồng nuôi gà nơi cao ráo, hướng Đông Nam, tận dụng càng nhiều ánh sáng tự nhiên càng tốt.
- Chuồng nuôi gà mái đẻ làm hơi dốc để trứng lăn về trước, tránh giập vỡ trứng và gà mổ trứng.
Chuẩn bị dụng cụ và trang thiết bị nuôi gà
- Rèm che: Dùng vải bạt, bao tải, phên nứa… Che cách vách tường 20 cm phía ngoài chuồng nuôi, nhằm bảo vệ cho gia cầm tránh được mưa, gió rét nhất là ở giai đoạn gà nhỏ.
- Máng ăn: Trên thị trường hiện cung cấp nhiều loại máng ăn để bà con lựa chọn. Máng ăn cho gà cần đảm bảo dễ dàng vệ sinh; phù hợp với giai đoạn phát triển của gà. Vị trí đặt máng ăn cần khô ráo, tránh nước mưa; đảm bảo thức ăn không bị ẩm mốc.
- Máng uống: Tương tự máng ăn, dụng cụ này cũng được cung cấp rất nhiều. Bà con có thể mua được dễ dàng. Lưu ý lựa chọn loại phù hợp với cỡ gà đang nuôi. Bà con đặt máng uống cạnh máng ăn để gà có thể ăn và uống được tiện lợi; tránh đặt quá gần sẽ làm rơi nước vào thức ăn.
- Ngoài ra, bà con cần trang bị hệ thống sưởi ấm, lồng úm, dụng cụ sát trùng… đầy đủ.
Hi vọng bài viết của chúng tôi đáp ứng được nhu cầu và giải đáp được thắc mắc của các bạn. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau.