Dù là nuôi gà thịt ở trình độ cao hay nuôi theo lối thủ công thô sơ thì trong giai đoạn gà con đều phải được nuôi trên nền. Trong chăn nuôi, nếu biết cách xử lý chất độn chuồng sẽ giúp gà mau lớn; giảm dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Chất độn chuồng giúp chuồng gà khô ráo và giúp gà không bị lạnh chân, ít bệnh tật. Gà không thể tự tổng hợp vitamin B12. Nên chúng phải ăn phân của chính mình để hấp thụ đủ lượng vitamin B12 cần thiết. Tuy nhiên, một trong những điều chúng ta cần quan tâm là khi nào thì nên thay chất độn trong chuồng gà. Trong bài viết hôm nay, chúng mình sẽ chia sẻ với mọi người về vấn đề này nhé.
Những điều cần biết về chất độn chuồng gà
Gà không bị lạnh chân sẽ tránh được ỉa chảy,. Chuồng khô ráo giúp cho gà tránh được nhiều bệnh đường hô hấp. Ở nước ta chất độn chuồng thường dùng là phoi bào hoặc trấu. Một số gia đình đã dùng rơm rạ, cỏ tranh, cói khô băm nhỏ (1-2 cm) để thay cho phoi bào hoặc trấu.
Gà ỉa và đái xảy ra cùng một lúc từ lỗ huyệt. Vì vậy chúng ta nên sử dụng chất độn chuồng có khả năng hút nước tốt. Chất độn tốt nhất là phoi bào. Nhưng không nên dùng phoi bào gỗ lim. Vì phoi bào gỗ lim khi tiếp xúc với phân gà tạo ra khí độc, không có lợi cho gà. Các chất độn khác như rơm rạ, trấu, lá cây, cỏ tranh, cói khô khả năng hút nước kém và dễ bị nấm mốc, nếu dùng phải thay thường xuyên gây tốn kém.
Nên thay chất độn khi chuồng nuôi bị ướt
Khi xây dựng chuồng gà, nền chuồng phải được đầm kỹ để tránh chuột làm tổ. Mặt nền chỉ láng lớp vữa bata cát vàng mà không nên đánh bóng. Vì nếu đánh bóng bằng xi măng như ta xây bể nước thì vừa tốn kém; lãng phí không cần thiết, vừa không thoát hơi nước. Khi thời tiết nồm sẽ dễ bị ướt, thấm vào lớp chất độn, gà sẽ bị lạnh chân dễ bị bệnh.
Chất độn chuồng dùng nhiều hay ít phụ thuộc vào nền chuồng, mùa thời tiết; số đầu gà, mức độ thông thoáng, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng và thời gian nuôi. Thông thường phoi bào có thể đổ dày 15-20cm. Và gà nuôi trên lớp phoi bào này cho đến 45-50 ngày tuổi. Và không cần phải thay hoặc chỉ thay cục bộ tại những nơi máng uống nước chảy ra đẫm ướt. Nếu lớp dày chỉ được 8-10cm thì sau 3-4 tuần ta phải thay lớp khác.
Vào mùa đông khí hậu khô ráo ta có thể kéo dài thời gian sử dụng lớp độn chuồng thêm 1-2 tuần nữa vẫn tốt. Nhưng vào mùa mưa phùn, độ ẩm cao nền chuồng không thoát khỏi hơi nước thì thời gian sử dụng chất độn lại giảm đi 1-2 tuần. Nói tóm lại khi nào thấy chất độn chuồng bị ướt ta phải thay ngay. Gà không ưa ẩm ướt, thích khô ráo. Do đó thay chất độn vào lúc nào là tùy tình hình cụ thể của chuồng nuôi; miễn sao đạt được mục đích, chuồng và nền chuồng gà luôn luôn phải khô.