Nhắc đến các loài cá nước ngọt có trọng lượng lớn thì chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cá trắm cỏ. Đối với những ao nuôi cá nước ngọt thông thường, cá trắm cỏ thường phát triển tự nhiên trong ao cùng các loài khác mà không cần thả giống. Hiện nay, thị trường có nhu cầu cá trắm cỏ số lượng ngày càng lớn. Chính điều này đã thôi thúc người nông dân cải tiến mô hình nuôi cá trắm cỏ thương phẩm để tăng thu nhập. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn một mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ để bạn tham khảo.
Tìm hiểu mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ
Ao cá áp dụng mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ của gia đình ông Trương Văn Thịnh ở Tổ 4, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum trên diện tích 2500m2 gia đình ông Thịnh đã tiến hành thả 50% cá trắm cỏ, 40% cá rô phi và 10% cá trôi với mật độ 2,5 con/1m2. Sau 5 tháng rưỡi thả cá, cá lớn nhanh không có dịch bệnh. Sau thu hoạch cho thu nhập cao hơn so với các vụ trước. Đáng chú ý cá rô phi của gia đình ông có trọng lượng đạt khoảng 7 lạng/con. Các loại cá khác đều có trọng lượng trên 5 lạng/con.

Qua đánh giá mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính ở 4 hộ gia đình thuộc xã Đăk La, huyện Đăk Hà, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum khi trừ chi phí về cá giống, thức ăn, vôi, thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học thì mỗi hộ có lợi nhuận bình quân khoảng 13tr/1000m2 ao cá. Đối với mô hình này các hộ dân dễ dàng giảm thiểu đáng kể chi phí thức ăn dựa vào việc trồng các loại rau xanh, lá mì, cỏ, bèo tây, thân chuối tại nhà.
Đặc điểm của cá trắm cỏ
Cá trắm cỏ (nhiều nơi gọi cá trắm trắng) là loài cá sống ở nước ngọt, ưa nước sạch. Con cá trưởng thành có thể dài gần 2m nặng hơn 40kg. Chính bởi chúng vô cùng dễ nuôi và nhanh lớn nên dù thịt không thơm ngon như cá trắm đen thì vẫn được nuôi bán phổ biến ở các chợ địa phương. Mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Về đặc điểm sinh học thì cá trắm cỏ có thân hình trụ dài, bụng tròn nhỏ dần phía đuôi. Chiều dài thân cá lớn gấp 3,4 lần chiều rộng hay chiều cao của chính nó. Miệng cá tròn, không có râu, hàm trên rộng hơn hàm dưới tạo thành hình vòng cung. Các nếp mang có màu hồng nhạt. So với cá loài khác thì mang ngắn và ít chỉ khoảng 15-19 nếp gấp.
Một số lưu ý khi nuôi cá trắm cỏ
Đối với kỹ thuật nuôi ghép cá trắm cỏ là chính kết hợp nuôi cá rô phi, cá trôi bà con cần lưu ý phải tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật cải tạo hồ trước khi thả cá và quy trình chăm sóc phòng trừ dịch bệnh ở các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cá.

Về thức ăn khi cá còn nhỏ bà con cần cho lượng thức ăn từ 7 – 10% trọng lượng cá. Khi cá lớn từ 200 – 250g thì có thể giảm lượng cho ăn xuống còn 5 – 7% trọng lượng thân. Để phòng trừ dịch bệnh cho cá thì ao nuôi cần phải chủ động lượng nước ra vào thường xuyên. Trong điều kiện ao nuôi không đủ nước ra vào ít nhất trong một tháng bà con phải thay nước một lần để tránh việc ao nuôi bị ô nhiễm gây chết cá.
Ngoài ra đối với một số gia đình không có điều kiện trồng rau và cỏ với số lượng lớn. Ta có thể cân bằng tỉ lệ giữa cá trắm cỏ và cá rô phi. Đồng thời nuôi thêm các loại cá trôi, cá chép. Từ đó giảm lượng thức ăn hữu cơ và tăng lượng thức ăn công nghiệp.