Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng thì việc vệ sinh và sát trùng chuồng trại là công việc vô cùng cần thiết và quan trọng. Quy trình này cần được thực hiện toàn diện và nghiêm ngặt để tránh các bệnh truyền nhiễm. Thực tế, dịch bệnh gia súc, gia cầm trong chăn nuôi đang diễn biến rất phức tạp; gây thiệt hại lớn cho toàn ngành chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi.
Việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại và dụng cụ trong chuồng trại là rất quan trọng và cần thiết. Vì nó giúp khống chế dịch bệnh, tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường; ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Khử trùng chuồng trại có thể giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi; phát triển bền vững và hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, việc vệ sinh cũng giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Chuẩn bị trước khi vệ sinh chuồng trại

Sau mỗi đợt nuôi phải dọn dẹp vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại:
- Đưa toàn bộ các dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi đã dùng ra ngoài.
- Đưa hết chất độn chuồng ra khu vực quy định.
- Loại bỏ rèm che cũ đã bị rách hỏng.
Quy trình vệ sinh chuồng trại
Làm sạch chuồng và vệ sinh lại bằng nước
Quét bụi mạng nhện toàn bộ trần nhà, tường lưới, rèm che, dây treo máng ăn và máng uống. Nạo phân nền chuồng và quét sạch. Chú ý quét thật kỹ các góc ô chuồng; quét theo hướng dẫn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Sau khi quét dọn sạch sẽ ta dùng vòi nước cao áp để rửa chuồng. Rửa theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; theo thứ tự: rửa trần, dây treo máng ăn, máng uống, tường, lưới, rèm che, nền chuồng, kho, hiên.
Chú ý: hố thoát nước phải moi hết các chất bẩn ứ đọng. Cọ rửa thật kỹ các góc nhà, sào đậu, bệ máng nước.
Sát trùng bằng thuốc sát trùng
- Phun thuốc sát trùng chuồng nuôi bằng thuốc formol 2% với liều lượng là 1 lít/m2 hoặc có thể sử dụng disinfectant.
- Đối với kho đựng thức ăn phun sát trùng bằng formol 2% với liều lượng 0,5 lít/m2 hoặc có thể sử dụng disinfectant.
- Phun toàn bộ rèm che cả mặt trước và mặt sau bằng formol 2% liều lượng 0,5 lít/m2 hoặc có thể sử dụng disinfectant.
- Sau khi phun thuốc sát trùng xong đóng kín cửa chuồng nuôi ít nhất là 42 giờ
- Trước khi nhận gà 24 giờ, đổ dung dịch crezine 3% vào các hố hoặc khay sát trùng trước cửa ô chuồng và cửa ra vào trại.
Vệ sinh, sát trùng các trang thiết bị và dụng cụ trong chuồng
Máng ăn và máng uống
Sau mỗi đợt nuôi gà ta chuyển tất cả máng ăn, máng uống ra bể rửa, để ngâm nước. Dùng bàn chải hoặc giẻ lau cọ rửa từng cái một sạch sẽ. Rửa lại bằng nước lã lần nữa cho thật sạch. Tiếp theo ngâm máng vào bể thuốc sát trùng có dung dịch formol 1% trong thời gian 10 – 15 phút. Lấy ra tráng lại bằng nước lã sạch đem phơi nắng để khô hoàn toàn.

Chụp sưởi và quây gà
- Chụp sưởi: Quét hết bụi bẩn, lau sạch bằng dung dịch formol 2%
- Quây gà: Quét sạch bụi bẩn bám vào quây, cọ rửa bằng vòi nước có áp suất cao, sát trùng lại bằng formol 2% hoặc crezin 3%.
- Vệ sinh, sát trùng ổ đẻ
- Quét sạch bụi bẩn, nạo phân dính bết, nạo phân ở góc và các vách ngăn, sau đó dùng nước có áp suất cao để phun rửa. Sau khi để khô ta tiêu độc bằng forrmol 2%.
Hệ thống cung cấp và chứa nước
- Cần có lượng dự trữ nước đủ cho trại phòng khi hệ thống nước chính hỏng. Công suất chứa nước phụ thuộc vào số lượng gà.
- Nếu nguồn nước là giếng hoặc bể chứa, công suất của máy bơm cần đáp ứng được với lượng tiêu thụ nước tối đa của gà.
- Bể chứa cần được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lứa gà. Ở vùng khí hậu nóng, bể cần đặt dưới bóng mát vì nhiệt độ nước cao sẽ làm giảm tiêu thụ nước. Nhiệt độ nước lý tưởng để duy trì mức uống đủ là 10 – 14 °C.
- Vệ sinh hệ thống cung cấp nước: Ngừng cung cấp nước vệ sinh sạch sẽ máy bơm nước và khu vực xung quanh.
- Vệ sinh hệ thống chứa nước: Ngừng việc cung cấp nước vào hệ thống chứa (bể, thùng…) và hệ thống ống dẫn, múc hết nước trong bể chứa, cọ rửa sạch sẽ thành bể, trần bể, loại hết nước bẩn còn lại trong bể, rửa lại bằng dung dịch formol 2% trong 1 giờ. Sau đó đòng nắp bể thường xuyên.
- Sau khi khử trùng bằng thuốc, cần phải để khô dụng cụ và trang thiết bị. Với chuồng nuôi, thời gian để khô trước khi thả gia súc, gia cầm vào là 1 – 2 ngày; không được để khô dưới 12 giờ.
Quy trình phòng dịch cho chuồng gà
Khâu chuẩn bị và khâu vệ sinh
- Các hố và khay đựng thuốc sát trùng dùng bàn chải và dao cạo rác bẩn sau đó rửa sạch và sát trùng bằng dung dịch formol 2% hoặc crezine 3%.
- Phát quang bị rậm, cây cối và làm sạch cỏ xung quanh chuồng nuôi 10 – 15m để chuồng trại được thông thoáng mát mẻ, không cho chồn chuột, cáo còn nơi cư trú để phá hoại sản xuất.
- Phun thuốc sát trùng, hoặc rắc vôi bột.
- Phun thuốc muỗi định kỳ quanh chuồng nuôi cũng như phun vào bạt quây quanh chuồng để tránh muỗi.
Quy định về việc ra vào chuồng trại
- Tất cả mọi người vào khu vực chăn nuôi bắt buộc phải sử dụng trang thiết bị chuyên dùng có sẵn ở mỗi khu chăn nuôi như quần áo, giầy dép, mũ ủng đã được khử trùng.
- Khách thăm quan vào khu vực chăn nuôi phải được phun sát trùng, mặc quần áo bảo hộ lao động, khi vào trại đi lại theo đúng quy định.
Lời kết
Trên đây là các bước thực hiện quy trình an toàn sinh học, phun thuốc sát trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Các cụ ta có câu “phòng bện hơn chữa bệnh”. Vậy phải làm tốt khâu phòng bệnh mà ở đây là tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế tối đa bệnh dịch xảy ra. Cảm ơn mọi người đã theo dõi. Hy vọng bài viết chúng mình vừa chia sẻ sẽ giúp ích được cho mọi người. Chúc mọi người chăn nuôi thành công.