Có rất nhiều yếu tố để thành công trong việc chăn nuôi gà. Và mỗi yếu tố đều có vai trò và tầm quan trọng khác nhau. Ví dụ như chất độn chuồng gà chẳng hạn. Nhiều người chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là người chăn nuôi gà chưa hiểu hết tầm quan trọng và giá trị của chất độn chuồng. Nên chưa quan tâm nhiều đến nó. Để giúp người chăn nuôi không tốn nhiều thời gian và sức lực cho việc vệ sinh chuồng trại. Đồng thời hạn chế tối đa dịch bệnh cho gà; nhất là vụ thu đông và vụ xuân hè gà thường chết vì bệnh do thời tiết lạnh. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu phương pháp độn chuồng đơn giản để bà con chăn nuôi gà tham khảo và áp dụng.
Chất độn chuồng có vai trò như thế nào trong chăn nuôi gà?

Lớp chất độn chuồng là 1 hỗn hợp được phối trộn theo công thức nhất định để tạo thành nền chuồng dùng trong chăn nuôi với các tác dụng như sau:
- Giúp phân giải và hấp thu lượng nước dư thừa từ nước tiểu, phân thải của động vật. Thúc đẩy quá trình làm khô nền chuồng bằng cách tăng diện tích bề mặt sàn.
- Giúp “pha loãng” phân; hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa phân và gà.
- Tự tỏa ra nhiệt giữ ấm cho vật nuôi.
- Ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại → giảm tỷ lệ bệnh → giảm công sức và chi phí chăm sóc, điều trị bệnh đồng thời tăng chất lượng vật nuôi, chất lượng sản phẩm.
- Có lớp chất độn chuồng, gà sẽ ít bị thối bàn chân và què; lông gà tơi, mượt và sạch hơn; thịt chắc hơn, tồn dư kháng sinh ít hơn.
- Hạn chế khí hôi, thối; giảm khí độc trong chuồng nuôi.
- Cải thiện môi trường sống cho gà và người lao động.
- Giúp giảm công lao động, tiết kiệm điện nước và tiết kiệm chi phí chăn nuôi nói chung do không phải dọn phân, rửa chuồng nhiều; không mất thêm chi phí thay lót chuồng thường xuyên.
Cách độn chuồng gà đơn giản
Vật liệu dùng làm chất độn chuồng gồm: cát đen, trấu, vôi tả. Ba nguyên liệu này được kết hợp theo tỷ lệ: 50% trấu + 40% cát đen + 10% vôi bột.
Cách rải nền độn chuồng: cát đen và vôi bột được đảo đều rồi rải trực tiếp xuống nền chuồng nuôi. Tiếp đến là phủ một lớp trấu dày trên cùng sao cho lớp các chất độn chuồng dày khoảng 5 -7 cm.
Trong phân gà luôn có một lượng nước tiểu (do cấu tạo của cơ thể gà lỗ niệu và hậu môn trùng nhau). Cho nên, khi gà thải phân, nếu không có chất độn có tác dụng thấm nước thì nền chuồng rất ẩm và mất vệ sinh; quét dọn cũng mất rất nhiều thời gian, công sức (vì gà thải phân rất nhiều lần trong ngày).
Ưu điểm của 3 vật liệu trên

Dùng 3 vật liệu này để làm nền độn chuồng. Vì cát có khả năng thấm nước rất tốt và lại mịn, êm, cho gà chạy nhảy. Trấu là chất làm tăng độ xốp cho nền cát khi bị ướt cũng làm nền thông thoáng; thoát nước nhanh và nhanh khô trong tự nhiên. Mặt khác, trấu còn là vật liệu có khả năng làm dính kết và che phủ phân gà tốt nhất. Qua thời gian ngắn, khi được gà đảo bới, nền chuồng này luôn bảo đảm khô ráo, sạch sẽ. Có được 10% vôi tả đưa vào nền độn chuồng sẽ diệt được vi khuẩn phát sinh trong phân gà; khử bớt mùi hôi thối cũng như hạn chế được cả vi khuẩn trong không khí xâm hại gà nuôi.
Mặt khác, với cách thiết kế nền độn chuồng như trên đã bảo đảm được nền chuồng không bị ẩm ướt khi gặp thời tiết nồm ẩm kéo dài và cũng rất ấm cho gà vào mùa đông lạnh giá.
Kết thúc mỗi lứa gà, mới phải thu dọn nền chuồng để làm phân bón cho cây trồng và làm một nền chuồng khác tương tự trước khi bước vào nuôi một lứa mới.