Nuôi cá trong lồng bè là một trong những kỹ thuật nuôi thâm canh hiệu quả, trong đó nuôi cá tra, cá basa lồng là đối tượng có giá trị kinh tế cao được nuôi phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, đã giúp nhiều người dân tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do chúng thường được nuôi với mật độ dày và lượng thức ăn lớn nên môi trường trong lồng bè và xung quanh rất dễ bị ô nhiễm và bùng phát dịch bệnh trên cá gây thiệt hại cho người nuôi. Để bà con yên tâm hơn khi nuôi, chúng tôi xin chia sẻ một số cách phòng trị các bệnh thường gặp trên cá tra lồng.
Phòng bệnh xuất huyết đường ruột cho cá basa
Cá basa là đối tượng nuôi dễ bị nhiễm bệnh xuất huyết đường ruột. Ở các tháng mùa khô, nhiệt độ cao khiến cá bị xuất huyết nội tạng. Gây thiệt hại không nhỏ đến người nuôi cá basa. Khi bệnh, quan sát bụng cá thấy xuất hiện dấu hiệu trương to, hậu môn lồi và sưng đỏ; vây bụng xuất huyết, cá giảm ăn và bơi tách đàn.
Để phòng bệnh, nhiều bà con đã thành công khi sử dụng cây cỏ mực băm nhỏ và nấu chung với thức ăn cho cá. Công thức: 1kg cỏ mực + 0,5g muối + 70kg cám. Cách một tuần cho ăn một lần. Để trị bệnh, dùng thuốc trộn với thức ăn theo công thức: (6 gam Sulfathiazone + 0,5 gam Thiromin) / 100kg cá bệnh hoặc (10 gam Sulfaguanin + 70kg cám) / 100kg cá bệnh. Cho cá ăn liên tục đến ngày thứ 3 thì giảm 1/2 liều. Ăn đến hết ngày thứ 5 thì cá sẽ hết bệnh.
Phòng và trị bệnh đốm trắng ở cá tra, cá basa
Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát do đánh bắt, sang ao, vận chuyển. Hoặc do nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột và quá cao. Cá bị nhiễm bệnh thường bỏ ăn, gốc vây lưng xuất hiện vết đốm trắng. Sau đó lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Cá bị bệnh nặng thường bơi lờ đờ ngang mặt nước, rồi lộn đầu xuống và chết. Bệnh này xảy ra rất nhanh nên phát hiện và phòng bệnh sớm là rất cần thiết.
Để trị bệnh dùng một số kháng sinh và thuốc điều trị (thế hệ mới) trộn vào thức ăn hoặc nghiền mịn. Pha thành dung dịch ngâm thức ăn viên để cho cá ăn. Sunfadimezin 5g + Oxytetracyclin 2g/100 kg cá kết hợp trộn vào thức ăn Superfact 250g/100kg thức ăn. Từ ngày thứ 3, liều dùng giảm đi một nửa. Cá có thể khỏi bệnh sau 5 ngày dùng thuốc.
Bệnh mất nhớt ở cá
Khi cá bị xây xát khi đánh bắt, vận chuyển hoặc cá bị sốc khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột. Tạo điều kiện cho vi khuẩn Flexibacter columnaris tấn công. Khi bệnh, cá thường có dấu hiệu bỏ ăn, sức khỏe yếu. Xuất hiện các đốm màu trắng ở gốc vây lưng và lan dần khắp thân. Khi bệnh nặng có thể xuất hiện các vết loét sâu vào cơ. Vây cá rách xơ xác, cá chìm xuống đáy và chết. Để phòng trị bệnh, bà con trộn thuốc vào thức ăn theo công thức: (5 gam Sulfadimezin + 2 gam Oxytetracycline) / 100kg cá hoặc (5 gram Oxytetracyclien) / 100kg cá, cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày.
Bệnh sán lá móc ký sinh trên cá
Sán thường ký sinh trên mang cá tra, basa cả giai đoạn cá giống và nuôi thịt gây viêm loét thối rữa. Có thể dùng lá cây giác (nông dân ĐBSCL vẫn hay dùng) đập dập và bó thành bó nhỏ treo ở đầu bè để phòng ký sinh sán lá. Ngoài ra có thể dùng vôi bột 5 g/m3 để phòng bệnh. Trị bệnh dùng nước muối 3 – 4% hoặc Sunphat đồng 5 – 7g/m3 tắm cho cá 5 – 10 phút. Dùng Formol nồng độ 15 – 20g/m3 (15 – 20ppm) phun trực tiếp xuống ao nuôi cá.